8 min read

ngôn ngữ báo chí hiện tại đang làm hỏng tiếng Việt

ngôn ngữ báo chí hiện tại đang làm hỏng tiếng Việt

sáng chủ nhật, tôi dự định dành thời gian cho đọc và nghĩ, không viết.

nhưng thay đổi đến khi đọc bài báo: Bùng nổ tranh cãi về việc 'trẻ lớp 7 đạt IELTS 8.0'. Dù không là một nhà ngôn ngữ học, theo thời gian, tôi đủ kiến thức nhận ra không ổn nếu truyền thông tiếp tục dùng ngôn ngữ - tiếng Việt - theo hướng không trưởng thành.

nhớ ngày cấp 1 - thập niên 90, trong khi xem Thời Sự ở VTV, tôi đã nhận xét phát thanh viên nói lủng củng, thừa từ. Ở lớp học, tôi cũng quan sát cách dùng từ của giáo viên nhưng không đưa ra bất kỳ nhận xét, do ngày đó tôi không được giáo viên dạy và khuyến khích tranh luận trực tiếp khi phát hiện có điểm không đúng.

thời gian đi, tôi nhận ra ngôn ngữ là công cụ và sức mạnh để con người và quốc gia phát triển. Ngôn ngữ dẫn dắt, định hình, và hướng dẫn tư duy. Ngôn ngữ phát triển theo lịch sử, là một phần của lịch sử; ngôn ngữ có thể vay mượn, tự phát triển trong quá trình trao đổi học thuật, văn hoá, giao tiếp giữa cộng đồng dân cư thuộc một dân tộc trong một khu vực địa lý, giữa những dân tộc khác nhau trong cùng một khu vực, hoặc giữa dân tộc xâm lược và bị xâm lược, giữa giai cấp bị trị và thống trị, và sử dụng cho các mục đích hoặc mưu đồ - đơn cử ngôn ngữ dùng để đánh lừa người nghe, che giấu mục đích thật.

trong phạm vi chia sẻ này, tôi tập trung vào ngôn ngữ không trưởng thành.

khi người(s) quen nghe loại ngôn ngữ này, họ có xu hướng máy móc sử dụng nó, và tiếp tay huỷ hoại ngôn ngữ, gây khó biểu đạt sự thật. George Orwell, trong tập luận Why I Write đã đặt tên cho loại ngôn ngữ bị bóp méo này là Newspeak - ai quan tâm nên tìm đọc.

đi vào phân tích (lưu ý: tôi tra từ theo từ điển Tiếng Việt, xuất bản năm 1996 bởi nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.)

(1) tiêu đề bài báo: Bùng nổ tranh cãi về việc 'trẻ lớp 7 đạt IELTS 8.0'

từ không trưởng thành là "tranh cãi".

Trong từ điển tiếng Việt, có ba từ đồng nghĩa:

  1. tranh biện (động từ, cũ): tranh luận phải trái; tranh cãi.
  2. tranh cãi (động từ): bàn cãi để phân rõ phải trái. Đơn cử: tranh cãi về lý luận, một vấn đề đang tranh cãi.
  3. tranh luận (động từ): bàn cãi để tìm ra lẽ phải. Đơn cử: tranh luận về học thuật. Kết thúc cuộc tranh luận.

định nghĩa/ diễn giải tự thân của ba từ tương đồng, và cùng có chữ "cãi". Trong đó, "tranh biện", "tranh luận" là từ Hán Việt; "tranh cãi" là từ ghép tiếng Việt, cụ thể:

  1. tranh (động từ): (ii) tìm cách giành lấy, làm thành của mình. (ii) tìm cách làm nhanh việc gì đó trước người khác, không để cho người khác kịp làm.
  2. cãi (động từ): (i) dùng lời lẽ chống lại ý kiến người khác nhằm bảo vệ ý kiến hoặc việc làm của mình. (ii) bào chữa cho một bên đương sự nào đó trước toà án; biện hộ.

quan điểm cá nhân, "tranh cãi" là một từ thể hiện tranh luận/ tranh biện/ debate [tiếng Anh] nhưng ở góc độ thô sơ, không trưởng thành. Nó thể hiện tinh thần xã hội không văn minh, có sự hơn thua, giành giật; không phải là đích đến của tranh luận, ai đúng ai sai không quan trọng bằng sự khai mở kiến thức cho các bên tham gia tranh luận.

(2) Bên dưới phần bình luận, không ít phụ huynh ngưỡng mộ, xuýt xoa khi nữ sinh còn nhỏ tuổi nhưng đã đạt mức điểm IELTS cao, có hiểu biết về nhiều lĩnh vực, tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi.
  1. xuýt xoa (động từ): phát ra những tiếng gió biểu thị cảm giác đau, rét, hoặc sự tiếc rẻ, kinh ngạc trước việc gì. Đơn cử: xuýt xoa vì rét. Cứ xuýt xoa tiếc mãi. Xuýt xoa khen đẹp.

theo tôi, "xuýt xoa" không nên dùng trong ngôn ngữ báo, nó là ngôn ngữ giao tiếp, thô sơ; giảm mức độ ghi nhận và trân trọng. Ngữ cảnh sử dụng, theo từ điển tiếng Việt, là giữa hai hoặc nhiều bên đang ở trước nhau, và phát ra tiếng gió để biểu thị cảm giác, cảm xúc; không là ngôn ngữ báo.

nếu đọc và chịu khó suy nghĩ sẽ không khó để tìm những từ dùng không đúng/ không nên/ thậm chí không có trong từ điển tiếng Việt - được tạo ra để phục vụ mục đích trong một giai đoạn.

người đọc nên có ý thức chống lại xu hướng này bằng cách có ý thức khi viết. Người đọc cũng có thể nhìn lại ngôn ngữ báo chí, chính luận trong xã hội để nhìn thấy hiện tượng đó và tìm cách cải thiện trong phạm vi có thể.

trích dẫn từ sách Why I Write của George Orwell:

  1. "kẻ thù lớn nhất của ngôn ngữ trong sáng là sự không trung thực ... Khi bầu không khí chung là xấu thì ngôn ngữ sẽ chịu đau khổ"
  2. "nhưng nếu tư duy huỷ hoại ngôn ngữ thì ngôn ngữ cũng có khả năng huỷ hoại tư duy. Một cách dùng từ dở có thể phát tán bởi truyền thống và bắt chước, thậm chí trong cả số những người phải biết và biết rõ hơn người khác. Cái ngôn ngữ bị xuống cấp mà tôi đã đề cập đó thật ra lại rất tiện lợi theo khía cạnh nào đó. Những cụm từ như 'không phải là một giả thiết không chính đáng', 'có lẽ không phục vụ một mục đích tốt đẹp nào'. 'một sự cân nhắc mà chúng ta phải chú ý để tâm' là một sự cám dỗ thường trực, một lọ aspirin ở ngay tầm với của mỗi người" - dịch từ tiếng Anh nên bạn có thể không thấy đúng ở Vietnam, bạn có thể tự liên hệ với tiếng Việt.
  3. "điều trên hết là phải để cho ý chọn lời, không phải ngược lại. Trong văn xuôi, điều tệ nhất mà bạn có thể làm với từ ngữ là đầu hàng theo chúng. Khi bạn nghĩ về một vật cụ thể, bạn nghĩ mà không cần đến từ ngữ, và sau đó, nếu bạn muốn mô tả thứ mà bạn vừa hình dung hình ảnh, chắc bạn sẽ săn tìm cho đến khi tìm thấy chính xác từ phù hợp. Nếu bạn nghĩ gì đó trừu tượng, bạn có xu hướng dùng từ ngay từ đầu, và trừ khi bạn có ý thức ngăn chặn việc đó thì những cách diễn đạt hiện có sẽ xông ra và làm thay cho bạn, với hậu quả là làm mờ đi hay thậm chí là thay đổi ý bạn. Có lẽ, cách tốt nhất là trì hoãn việc sử dụng từ ngữ càng lâu càng tốt và làm ý mình càng rõ càng tốt thông qua các hình ảnh và cảm giác. Sau đó, ta có thể chọn - không chỉ chấp nhận - cụm từ tốt nhất để thể hiện được ý, sau đó dừng lại và quyết định những từ của mình sẽ tạo ấn tượng gì cho người khác. Nỗ lực trí óc sau cùng này sẽ cắt bỏ tất cả các hình ảnh cũ kỹ hay lộn xộn, tất cả các cụm từ được dập khuôn sẵn, những sự lặp lại không cần thiết, và nói chung là tất cả những gì bịp bợm và mơ hồ."
  4. "Ở đây tôi không đề cập đến ngôn ngữ của văn học sáng tác, mà chỉ nói về ngôn ngữ như một công cụ biểu đạt, không phải để lừa gạt hay che giấu suy nghĩ ... Một người không thể lập tức thay đổi tất cả những thứ đó nhưng ít ra có thể thay đổi thói quen của chính mình."

sau cùng, có những từ không thể dịch ra tiếng Việt hoặc dùng rất nhiều từ tiếng Việt để dịch một hoặc hai từ tiếng Anh. Nó cho thấy sự không trưởng thành, lắng đọng, khả năng diễn đạt của tiếng Việt. Tuy nhiên, nó cho thấy tiếng Việt đang đi, đang phát triển. Dùng tiếng Việt đúng là một đóng góp cho sự phát triển của hiện tại, tương lai.

bài viết trên đến từ suy nghĩ, trách nhiệm cá nhân, và cảm hứng từ bài viết: đọc Why I Write của George Orwell của anh Phan Phương Đạt xuất bản ngày 30 tháng 01 năm 2023. Niềm vui với tôi là gặp những suy nghĩ tương đồng, dù chỉ ở một vấn đề.

tôi không hy vọng bạn sẽ đọc từ đầu đến đây. Tôi biết đây là một bài dài, không phù hợp với thói quen đọc ngắn, lướt nhanh, xem hình đã và đang phát triển bởi mạng xã hội. Tốt, hình ảnh đính kèm bài viết là một tổng kết nhưng yêu cầu suy nghĩ; nếu không suy nghĩ, bạn không có gì và luôn luôn có người nghĩ và làm thay bạn.


sài gòn, ngày 23 tháng 6 năm 2024